Lê Bình
“Bolinao 52’ của nhà sản xuất kiêm đạo diễn Nguyễn Đức đã được trình chiếu trong Đại Hội Điện Ảnh Á Châu lần thứ 25 tại San Francisco hôm 19 tháng Ba, 2007, là một phim tài liệu kể lại câu chuyện một chuyến vượt biên hãi hùng của người Việt Nam năm 1988.
Chuyến tàu định mênh rời bến tại Bến Tre mang theo 110 người đi tìm tự do. Thuyền chết máy và trôi dạt trên biển suốt 37 ngày đêm không nước uống, lương thực. Hơn một trăm con người già, trẻ, lớn, bé, … khi ra đi mang theo bao nhiêu hy vọng, thì bây giờ nỗi thất vọng bao trùm trên chiếc thuyền nhỏ mất hướng.
Họ đã gặp tàu buôn của Nhật, nhưng niềm hy vọng tắt ngấm khi con tàu làm ngơ bỏ đi. Sau đó họ gặp một chiến hạm Hoa Kỳ đang trên đường đi đến chiến trường Trung Đông. Niềm hy vọng cháy bùng lên, nhưng rồi lại không được cứu vớt. Thực ra, tàu Hoa Kỳ có cho thực phẩm, có hướng dẫn đường đi, có để lại một lời nhắn sẽ được cứu trong vài ngày nữa. Nhưng,…..
Thời gian lênh đênh trên biển của chuyến tàu vượt biển đó vẫn vô vọng sau hai ngày đợi chờ. Chuyện gì đến phải đến, 58 người bỏ mạng, và đau đớn hơn nữa là những người còn ngoi ngóp muốn được sống, họ phải ăn thịt chính những người đồng thuyền đã chết.
Cuối cùng còn lại 52 người được những ngư dân của Phi Luật Tân cứu vớt. Họ được đưa vào đảo Bolinao. Và đó là lý do phim mang tên Bolinao 52. Họ được đi định cư, họ cố quên đi quá khứ. Nhưng câu chuyện của họ thế giới đã không quên. Thuyền trưởng chiến hạm USS Dubuque phải ra tòa, những người thủy thủ trên chiến hạm đã bị ám ảnh.
Nguyễn Đức đã tìm lại những người còn sống. Câu chuyện được một thuyền nhân, chị Trịnh Thanh Tùng, kể lại. Đạo diễn và là người sản xuất Đức Nguyễn đã tốn 5 năm để thu thập tài liệu, gặp những người trên chiến hạm của Hải quân Mỹ, gặp những người Phi đã cứu những người tị nạn…v.v.
Câu chuyện với những thước phim có thật do các thủy thủ trên chiến hạm USS Dubuque cung cấp được dựng lại với chuyến trở về Phi của chị Trịnh Thanh Tùng (hiện định cư ở Nam California), gặp lại một thủy thủ trên tàu USS… Tất cả những tình tiết đó diễn ra trên màn ảnh lớn, thời lượng 58 phút.
No comments:
Post a Comment