Anh chị thân mến,
Vancouver Liên Hoan phim Á châu lần 3 có sự tham dự của 5 phim sản xuất bởi đạo diễn người VN:
- Bolinao 52 (Nguyễn Đức-USA)
- Another Western (Adeline Huỳnh-Canada)
- Cut and Dry (Siu Tạ-Canada)
- Equal Opportunity (Howard Duy Vũ-USA)
- The Emperor's New Clothes(Nguyễn Minh-VN du học Canada)
Đáng kể nhất là phim Bolinao 52. Tôi lại không ngăn được nước mắt, như đã từng khóc khi xem Journey From The Fall. Bởi vì bản thân tôi đã từng là tù nhân và thuyền nhân, đã kinh qua những ngày giờ khủng khiếp của lao tù và hiểm nguy trên biển cả.
Không phải là phim quay trong phim trường như Journey From The Fall, Bolinao 52 là phim thuộc loại tài liệu với nhân vật chính có thực là nữ thuyền nhân Trịnh Tùng, đang định cư tại Mỹ. Phim kể lại chuyến tàu định mệnh gồm 110 người trốn khỏi VN ngày 22/5/1988. Tàu đi một ngày thì chết máy, trôi dạt. 5 ngày sau, gặp 1 chiếc tàu Nhật chạy ngang, 5 người đàn ông trên tàu làm 1 cái bè tạm để đi đến chiếc tàu Nhật kêu cứu. Tàu Nhật không cứu mà chiếc bè cũng không trở lại con thuyền vượt biên. 10 ngày sau, thuyền nhân bắt đầu chết vì đói khát. Ngày thứ 19, chiến hạm USS Dubuque gặp thuyền vượt biên, nhưng hạm trưởng không chịu vớt, viện cớ là trên đường đi công tác vịnh Ba Tư (Persian Gulf) chỉ tiếp tế cho đồ ăn nước uống và lời hứa là 2 ngày sau sẽ có tàu Mỹ tới vớt. Tin vào lời hứa, thuyền nhân ăn uống thoải mái bù lại những ngày đói khát. Thế là đồ ăn và thức uống lại hết mà không tàu nào tới cứu, thuyền nhân bắt đầu ăn thịt lẫn nhau để sống. Thuyền trưởng Minh ra lệnh chỉ những ai chịu tát nước khỏi tàu mới được chia thịt người để ăn. Chị Tùng không muốn ăn thịt người nên chị không tát nước, nhưng khi thấy chị đuối sức, ông anh của chị cứ lấy phần thịt người của anh để nhét vào miệng chị. 18 ngày sau thì tàu dạt vào gần đảo Bolinao của Phi luật Tân, ngư dân Phi đem thuyền ra đón thuyền nhân VN vào bờ. Chỉ còn 52 người sống sót. Chuyến tàu được đặt tên là Bolinao 52.
Chuyện đến tai chính quyền Mỹ. Thuyền nhân đưọc cho đi định cư tại Mỹ, nhưng thuyền trưởng Minh bị tố cáo là giết người còn sống để ăn thịt, dù chị Tùng xác nhận là chị không thấy, nên bị Mỹ từ chối, cuối cùng thì đi định cư ở Âu châu. Hạm trưởng USS Dubuque bị truy tố ra toà án quân sự và mất chức. Nhiều lính hải quân của tàu Dubuque bị lưong tâm dằn vặt, và có người đã phải tìm gặp lại chị Tùng để bớt đi niềm day dứt (at least the captain could really send a damn message to other ships to pick up Bolinao 52). Nhưng chúng ta cũng biết là vào năm 1988, tình trạng tình thương mệt mỏi (compassion fatigue) của cộng đồng quốc tế với thuyền nhân VN đã bắt đầu xuất hiện.
17 năm sau, chị Tùng trở lại làng Bolinao để cảm tạ ngư dân và làm lễ cầu siêu cho 58 bạn thuyền đã chết. Chuyện đời thú vị, ân nhân cứu chị vẫn là những người dân đánh cá lam lũ nghèo xác xơ, còn chị nay là đã là công dân của nước được có người coi là thiên đường trên trái đất.
Phim Bolinao 52 lại làm tôi sống lại năm tù ở khám lớn Cần Thơ. Trong số tù nhân, có một em khoảng ngoài 20 tuổi, đã từng ăn thịt người. Tàu của em chết máy dạt vào 1 hoang đảo. Khi tôm cua cá trên đảo không còn thì bắt đầu ăn thịt người. Lúc đầu ăn thịt người chết, sau hết người chết thì giết nhau để ăn. Do đó, người còn sống bắt đầu lo sợ lẫn nhau, không giám ngủ sợ bị giết chết. Tàu lúc đi gần 50 người, mà lúc Hải Quân VC ghé vào đảo thì chỉ cứu được có 5 người. Thế mà 5 người này vẫn bị đưa vào tù vì tội vượt biên. Dù được cứu đã mấy tháng trời, lúc vào tù, mắt em lúc nào cũng đỏ ngầu và lúc ngủ em thường xuyên la hét vì ác mộng.
Phải mất 30 năm, người Việt nước ngoài mới làm ra được Journey From The Fall để cho thế giới thấy cảnh học tập cải tạo, hải tặc hãm hiếp thuyền nhân và Bolinao 52 để thế giới thấy thảm cảnh thuyền nhân ăn thịt nhau để sống. 30 năm thì khá lâu, chuyện đã thành nguội lạnh, nhưng trễ còn hơn không. Trên phương diện Hollywood, vẫn còn chưa đủ. Tôi mong Trần Hàm hay Nguyễn Đức làm thêm một phim cho thấy cảnh giết nhau, xẻ thịt của thuyền nhân. Như vậy thì mới thật sự gây ấn tượng cho thế giới, để bù lại thời gian tính đã bị mất.
Anh chi. nho*' ti`m xem Bolinao 52.
H. Thi.nh
No comments:
Post a Comment