Sunday, May 1, 2011

Bolinao 52 và những số phận của thuyền nhân Việt Nam

WESTMINSTER, California: Hôm Thứ Bảy, 30 - 4 - 2011, cái ngày mà 36 năm trước đây là ngày đau thương của đất nước Việt Nam phải gánh chịu bao tang thương phủ lên đầu người dân miền Nam. Những khuôn mặt ngơ ngác, thất thần chưa hoàn hồn sau những biến cố kinh hoàng của các trận chiến ác liệt từ Miền Trung trở vào Nam. Chết chóc, vợ xa chồng, con thơ quấn vội vành khăn tang với nụ cười chưa kịp tắt trên môi. Một trái pháo nổ, tiếng khóc thét lên quờ quàng tìm hơi ấm của cha, hay rúc vào lòng mẹ, nhưng mẹ đâu còn đâu để vỗ về nâng niu con trẻ, mà tay mẹ lạnh ngắt buông xuôi.


Hôm Thứ Bảy, ngày đau buồn của đất nước- nhiều cuộc hội họp kỷ niệm Tháng Tư Đen đã được tổ chức tại Nam Calif. để người Việt hải ngoại ngậm ngùi ôn lại những kỷ niệm đau buồn luôn ray rứt trong lòng kẻ tha phương 36 năm qua.

Mới hơn 3 giờ chiều 30-4-2011, trước cửa tòa soạn báo Việt Herald nhộn nhịp hẳn lên, khác hẳn với mọi ngày. Kìa xem, đoàn người rồng rắn sắp hàng, chuyện trò ríu rít lấy vé vào cửa phòng hội nhật báo Việt Herald để xem Phim Bolinao 52. Đúng 4 giờ chiều phòng hội đã chật ních người và người, lớn bé già trẻ đủ cả. Kẻ đi trước ngồi vào ghế hẳn hòi, người nôn nóng không đợi xuất phim sau đã tình nguyện vào đứng xem. Xem để nhớ lại cảnh hãi hùng mà mấy chục năm trước mình là chứng nhân của lịch sử vượt biên. Người may mắn được an toàn ngồi trên máy bay sang Mỹ muốn tai nghe, mắt thấy những đoạn đường chông gai, thi gan với bao tai ương sóng nước bão táp của người thân, bạn bè đã trải qua.

Trước khi vào phim, đạo diễn Nguyễn Hữu Đức lên cám ơn quan khách đã nhiệt tình ủng hộ đến xem phim Bolinao 52. Được biết bộ phim hoàn thành và ra mắt chiếu tại đại hội San Francisco Châu Á Liên Hoan Phim Quốc Tế trong năm 2007. Sau đó phim được phát hành toàn quốc trên hệ thống truyền hình PBS năm 2009, và năm đó được 2 giải Emmy Awards về Phim tài liệu hay nhất và Âm nhạc xuất sắc.

Phim được thuyết minh tiếng Việt và phụ đề Việt ngữ vào mỗi đoạn nói tiếng Anh. Hơn 1 giờ xem phim, hội trường im lặng như tờ và tất cả mọi người chăm chú theo dõi màn hình trong hội họp, lo âu với diễn tiến cuốn phim. Cảnh đầu, cảnh cuối, chị Tùng cùng con trở về nơi chốn đã cướp mất bao người bạn cùng mình vượt biên, để thả hoa và nến tưởng nhớ những người bạn chung thuyền, nhưng đã không vượt qua nổi chặng đường 37 ngày lênh đênh trên biển cả. Chuyện phim đưa người xem quay trở về thời điểm năm 1988, khi chiếc tàu vượt biên khởi hành từ Bến Tre, lên đường đi tìm bến bờ tự do. Rồi biển cả mênh mông, sóng nước gầm thét, biến chuyến đi thành địa ngục trần gian. Mọi khán giả bùi ngùi thương cảm cho thân phận con người Việt Nam khao khát tự do, giám đánh đổi sinh mạng của mình cho may rủi và trời biển định đoạt.

Lời kể của chị Tùng – nhân vật chính của bộ phim – dẫn dắt người xem đi qua câu chuyện của thuyền nhân Bolinao 52. Chuyện phim có những đoạn cao trào khiến người xem xúc động: Sự tuyệt vọng của các thuyền nhân khi chiến hạm Hoa Kỳ bỏ đi mà không cứu vớt. Sự đói khát khiến người trên tàu phải đi đến quyết định đau lòng là ăn thịt người chết để sinh tồn. Người thủy thủ Hoa Kỳ chính mắt nhìn thấy người thuyền nhân chết đuối mà không thể làm gì...

Những gút mắc của câu chuyện dần dần được tháo gỡ khi chị Tùng gặp lại người thủy thủ trên chiến hạm Hoa Kỳ năm xưa đã bỏ rơi thuyền nhân Bolinao 52. Trong đoạn cuối phim, chị Tùng quay về vùng đất Bolinao để cám ơn những ngư dân đã cứu chị năm xưa.

Câu nói của chị Tùng, một người đàn bà Việt Nam thể hiện biết bao ân tình của người chịu ơn như xoáy vào lòng mọi người: “Mọi người đều có số phận riêng của mình. Số phận chiếc thuyền của tôi gặp được tàu Hải quân Mỹ trên biển Đông, nhưng không được vớt, đưa đẩy gia đình tôi đến Bolinao, nơi cư ngụ ngư dân để đưa họ cùng tôi hợp tác có cuộc hành trình với nhau. Chuyến hành trình này đã đạt được nhiều kết quả tuyệt vời. Nhưng nếu không có sự tin tưởng và hỗ trợ nhiều người trên đường đi, chúng tôi không thể đạt được những thành tựu như vậy. Tôi muốn cám ơn tất cả.”

Một trong các khán giả, bà An Trần chia sẻ với phóng viên Việt Herald: “Chúng tôi nghe Radio và xem truyền hình mới biết hôm nay chiếu phim Bolinao 52, nên đến xem để nhớ lại hành trình tìm tự do.” Chồng bà An ngồi cạnh nói: “Chúng mình cần khuyến khích giới trẻ hải ngoại làm ra những phim như thế này để đánh động lương tâm thế giới biết đến vì sao chúng mình đến đây để tìm sự sống qua cái chết. Chế độ có độc tài dã man, người dân mới đánh đổi sinh mạng ra đi tìm tự do chứ! ”

Chị Lan, tay dắt cháu bé khoảng 12 tuổi tâm sự với chúng tôi: “Tôi muốn cho con tôi biết những đoạn đường vượt biên gian khổ của ông bà, cha mẹ chúng đã phải trải qua, để chúng có cái nhìn vào thực trạng đất nước Việt Nam và tự nói ‘mình là người VN ‘ phải làm gì đây khi lớn lên!”

Buổi chiếu phim chấm dứt, mọi người ra về với nỗi buồn cho thân phận con người, nhớ về kỷ niệm và ý tưởng phải làm gì cho ngày mai. Hiện DVD bản tiếng Anh và tiếng Việt của phim Bolinao 52 có bán tại tòa soạn Việt Herald, 14861 Moran St. Westminster, CA. 92673.

No comments: